An ninh mạng là gì? Tìm hiểu tổng quan về an ninh mạng đối với doanh nghiệp
Theo báo cáo Cybersecurity Statistics của Forbes, năm 2023 ghi nhận 2365 cuộc tấn công mạng, ảnh hưởng đến hơn 343 triệu người, đánh dấu mức tăng 72% so với năm 2021. Với sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa ngày càng tinh vi, việc hiểu rõ về an ninh mạng là vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh các mối đe dọa mạng như mã độc tống tiền, phần mềm độc hại và các cuộc tấn công DDoS ngày càng trở nên phổ biến, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quan và chiến lược bảo mật toàn diện.
Bài viết này của JAMstack Vietnam sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về an ninh mạng là gì, tại sao nó lại quan trọng và phân loại các mối đe dọa chính mà doanh nghiệp có thể đối mặt.
1. An ninh mạng là gì?
An ninh mạng là một lĩnh vực quan trọng trong việc bảo vệ không gian mạng khỏi các mối đe dọa và rủi ro. Theo Luật An ninh mạng 2018, an ninh mạng được định nghĩa là việc bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Ngày nay, khi mà thông tin và dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp ngày càng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng, an ninh mạng hoạt động như một lớp bảo vệ ảo. An ninh mạng là một loạt các hoạt động bảo vệ các hệ thống máy tính, mạng lưới và dữ liệu khỏi việc bị truy cập trái phép, thay đổi hoặc phá hoại. Những cuộc tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn có thể làm mất uy tín và ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức.
Theo số liệu của Cybersecurity Ventures, các cuộc tấn công mạng dự kiến sẽ khiến các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 10,5 triệu USD mỗi phút vào năm 2025. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự gia tăng rủi ro và tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ thống mạng.
2. Tại sao an ninh mạng lại quan trọng?
An ninh mạng đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ tài sản số, ngăn chặn tội phạm mạng và duy trì sự ổn định của các hệ thống quan trọng. Trong thời đại 4.0, việc đầu tư vào an ninh mạng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với bất kì doanh nghiệp nào. Đây là những lý do cụ thể:
- Bảo vệ tài sản số: An ninh mạng bảo vệ các thông tin nhạy cảm như mật khẩu, số thẻ tín dụng và dữ liệu cá nhân. Đối với doanh nghiệp, nó bảo vệ dữ liệu khách hàng, thông tin tài chính và các tài sản trí tuệ. Một sự cố an ninh mạng có thể dẫn đến tổn thất tài chính nghiêm trọng, mất uy tín và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo báo cáo của IBM, chi phí trung bình cho một vụ vi phạm dữ liệu toàn cầu đã đạt 4,45 triệu USD vào năm 2023, cho thấy tác động kinh tế lớn của các cuộc tấn công mạng.
- Ngăn chặn tội phạm mạng: An ninh mạng giúp phát hiện và ngăn chặn các hành động tấn công tinh vi, bảo vệ hệ thống mạng khỏi việc bị xâm nhập và phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng. Việc không có các biện pháp bảo mật mạnh mẽ có thể dẫn đến việc kẻ tấn công xâm nhập và thao túng dữ liệu hoặc hệ thống, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
- Bảo vệ hệ thống an ninh quốc gia: An ninh mạng còn bảo vệ các hệ thống quan trọng của quốc gia như hệ thống điện, nước và giao thông. Các cuộc tấn công vào những hệ thống này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người và đe dọa an ninh quốc gia. Theo báo cáo của Homeland Security, các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng đã gia tăng 35% trong năm 2023, điều này góp phần nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các hệ thống này.
- Duy trì niềm tin của người dùng: Một môi trường trực tuyến an toàn là yếu tố then chốt để duy trì niềm tin của người dùng trong các giao dịch và tương tác trực tuyến. Đầu tư vào an ninh mạng không chỉ bảo vệ doanh nghiệp mà còn giữ vững niềm tin của khách hàng, nâng cao trải nghiệm người dùng hiệu quả. Đây là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các dịch vụ trực tuyến và thương mại điện tử.
3. Phân loại các mối đe dọa với an ninh mạng
Hiểu rõ các mối đe dọa chính đối với an ninh mạng là bước quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống của doanh nghiệp. Dưới đây là các loại mối đe dọa phổ biến:
- Tấn công phi kỹ thuật (Social Engineering): Đây là chiến thuật mà kẻ tấn công sử dụng để lừa người dùng tiết lộ thông tin nhạy cảm. Các kỹ thuật phổ biến bao gồm phishing (lừa đảo qua email), baiting, vishing (lừa đảo qua điện thoại) và piggybacking. Những phương pháp này thường kết hợp với các mối đe dọa khác để gia tăng khả năng thành công.
- Mã độc tống tiền (Ransomware): Mã độc tống tiền là phần mềm độc hại được thiết kế để chặn quyền truy cập vào các tệp hoặc hệ thống máy tính, yêu cầu tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập. Tuy nhiên, việc trả tiền chuộc không đảm bảo rằng dữ liệu sẽ được khôi phục hoặc hệ thống sẽ hoạt động trở lại bình thường.
- Phần mềm độc hại (Malware): Đây là loại phần mềm được thiết kế để truy cập trái phép hoặc gây hại cho máy tính, có thể đánh cắp thông tin, phá hoại dữ liệu hoặc làm gián đoạn hoạt động của hệ thống. Các loại phần mềm độc hại bao gồm virus, trojans và worms, tất cả đều có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống.
- Tấn công DDoS (DDoS Attacks): Theo báo cáo 2023 Impact Report của Cloudflare, các cuộc tấn công DDoS đã gia tăng 50%, nhấn mạnh sự gia tăng của mối đe dọa này. Các cuộc tấn công DDoS sử dụng nhiều máy tính từ xa để gửi lượng lớn yêu cầu đến một hệ thống, làm quá tải và khiến hệ thống không thể hoạt động. Mục tiêu của DDoS là làm gián đoạn dịch vụ, gây thiệt hại về kinh tế và làm giảm uy tín của doanh nghiệp, tổ chức bị tấn công.
- Chiếm đoạt tài khoản doanh nghiệp (CATO): Đây là hình thức tấn công mà kẻ xấu xâm nhập và chiếm đoạt tài khoản của doanh nghiệp, sau đó sử dụng các tài khoản này để thực hiện các hành động gian lận hoặc truy cập vào dữ liệu nhạy cảm. CATO có thể gây ra tổn thất về tài chính, uy tín và rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
4. Kết luận
Bài viết trên đã cùng cấp thông tin chi tiết giúp bạn có góc nhìn tổng quan hơn về vấn đề an ninh mạng là gì. An ninh mạng không chỉ là một yếu tố kỹ thuật mà còn là một chiến lược quan trọng trong quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Đầu tư vào an ninh mạng giúp bảo vệ tài sản số, ngăn chặn tội phạm mạng, duy trì niềm tin của người dùng và đảm bảo tuân thủ quy định pháp lý.
Với sự gia tăng của các mối đe dọa và các cuộc tấn công mạng, bên cạnh việc hiểu và áp dụng các biện pháp bảo mật, doanh nghiệp cần tìm hiểu thêm về các loại an ninh mạng và cách xây dựng chiến lược an ninh để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
- Bảo mật trên website Jamstack: Giải pháp an toàn cho dữ liệu
- Bảo mật thanh toán trên website Jamstack giúp nâng cao tỷ lệ mua hàng
- Các giải pháp bảo mật Serverless tốt nhất cho website
- Giải pháp bảo mật API tốt nhất cho website Jamstack
- Làm thế nào để tối ưu bảo mật thông tin khi phát triển website thương mại điện tử?