Tác động của suy thoái kinh tế đến tuyển dụng nhân sự ngành CNTT năm 2023
"Báo cáo về Thực trạng Nhân sự và Tuyển dụng ngành Công Nghệ trong giai đoạn 2022-2023" cung cấp cho các doanh nghiệp và nhân viên trong ngành CNTT một cái nhìn toàn diện để tham khảo về tình hình nguồn nhân lực hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của suy thoái kinh tế. Báo cáo này cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm, đồng thời nhấn mạnh các mục tiêu và chuẩn bị cần thiết cho nhân sự trong ngành CNTT trong tương lai.
Báo cáo này được thực hiện bởi VietnamWorks inTECH - thương hiệu tuyển dụng và việc làm trong lĩnh vực Công Nghệ Thông Tin, thuộc sở hữu của Tập đoàn Navigos, và đã được công bố vào ngày 24/10/2023.
1. Tác động của suy thoái kinh tế đối với doanh nghiệp và nguồn nhân lực
Báo cáo chỉ ra rằng, đối với cả doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ, tác động của suy thoái kinh tế còn phụ thuộc vào vị trí địa lý. Cụ thể, các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM chịu ảnh hưởng mạnh hơn bởi làn sóng sa thải nhân sự so với các tỉnh thành khác. TP.HCM ghi nhận tỷ lệ cắt giảm nhân sự cao nhất (22.2%), trong khi Hà Nội có tỷ lệ này thấp hơn, nhưng lại có xu hướng cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc các quyền lợi khác (chiếm 14.7%).
Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác ngoài công nghệ thường có tỷ lệ ổn định nhân sự cao nhất. Nhóm này có số lượng nhân sự CNTT không quá lớn so với các doanh nghiệp công nghệ hoặc các doanh nghiệp Outsource/Consulting cho các dự án công nghệ. Do đó, nhân sự trong nhóm này có tỷ lệ ổn định cao nhất (76.4%). Trái lại, hai nhóm còn lại ghi nhận mức độ ảnh hưởng lớn hơn, với tỷ lệ nhân sự bị tác động lên đến 42%.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các công ty có quy mô nhân sự dưới 100 người thường ghi nhận tỷ lệ cắt giảm nhân sự cao hơn, nhưng cũng không quá chênh lệch với các nhóm khác. Doanh nghiệp với số lượng nhân viên từ 1.000 - dưới 3.000 có tỷ lệ nhân sự ổn định nhất (76.5%). Tuy nhiên, các công ty có hơn 3.000 nhân viên thường có tỷ lệ cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc các quyền lợi khác khá cao (16.7%).
Nhóm lao động Công Nghệ Thông Tin (CNTT) có kinh nghiệm dưới 1 năm ghi nhận mức độ tác động mạnh nhất từ làn sóng cắt giảm nhân sự. Các vị trí trong lĩnh vực CNTT với kinh nghiệm từ 3 đến 8 năm đạt tỷ lệ công việc ổn định cao nhất, chiếm 65.1%. Tuy nhiên, nhóm lao động dưới 1 năm kinh nghiệm chịu ảnh hưởng nặng nhất, chỉ có 23.8% có công việc ổn định. Hơn nữa, tỷ lệ người trong nhóm này đã bị thôi việc hoặc chưa tìm được việc mới là 30.3%.
Lao động CNTT tại khu vực TP.HCM đang chịu tác động nặng từ làn sóng cắt giảm nhân sự với tỷ lệ lên đến 47%. Trong khi đó, nhân sự tại khu vực Hà Nội có xu hướng tự thôi việc và tìm kiếm cơ hội mới nhiều hơn.
Nhóm lao động CNTT làm việc tại các doanh nghiệp Outsource/Consulting ghi nhận mức độ tác động cao nhất trong 3 mô hình kinh doanh. Nhân sự CNTT tại các công ty chuyên về công nghệ có tỷ lệ công việc ổn định cao nhất, chiếm 61.3%. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp Outsource/Consulting, chỉ có 45.6% nhân sự có công việc ổn định và là nhóm chịu ảnh hưởng cao nhất trong 3 mô hình. Đối với nhóm lao động CNTT làm việc tại các doanh nghiệp có sản phẩm – dịch vụ không thuộc ngành công nghệ, họ lại có xu hướng tự thôi việc và tìm kiếm cơ hội mới cao hơn so với các mô hình khác, chiếm 21.6%.
2. Thực trạng và xu hướng công nghệ được ưa chuộng hiện nay
Trong các ngôn ngữ lập trình thông dụng thì Javascript, Java (những ngôn ngữ được JAMstack Vietnam ứng dụng nhiều trong các dự án) tiếp tục dẫn đầu là những ngôn ngữ lập trình được nhiều lập trình viên và doanh nghiệp ưu tiên sử dụng. PHP cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 5.2% lập trình viên đáp ứng đủ nhu cầu. Ngoài ra, khoảng 2.2% doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm ứng viên am hiểu ngôn ngữ Kotlin. Theo khảo sát, SQL là ngôn ngữ truy vấn được ưa chuộng nhất (17.1%) và có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (10.7%).
Liên quan đến các thư viện và frameworks, .NET vẫn tiếp tục là những công cụ phổ biến nhất. Sau đó, React.js và Node.js cũng được ghi nhận là những công cụ phổ biến tiếp theo.
Về chuyên môn của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, các vị trí như Software Developer, Tester/QA-QC và Business Analysis là ba vị trí được ứng viên và doanh nghiệp quan tâm nhất. Ngoài ra, từ kết quả khảo sát dành cho nhà tuyển dụng, vị trí DevOPs đứng thứ 3 trong danh sách các vị trí khó tuyển dụng nhất, chiếm 18.6% trên tổng số phản hồi. Đây là một vị trí mà doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng (6.1%), nhưng lại có rất ít ứng viên đáp ứng (1.1%).
3. Nhu cầu, thách thức và mục tiêu tuyển dụng ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT) trong giai đoạn sắp tới
Theo báo cáo, từ cuối năm 2023 đến năm 2024, doanh nghiệp tại các thành phố vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT. Dù đang phải đối mặt với làn sóng sa thải đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp vẫn dự định tuyển dụng nhân sự CNTT trong thời gian tới, đặc biệt là khoảng từ 10 đến 30 lao động, trong đó tỷ lệ cao nhất nằm ở Hà Nội (53.3%).
Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ và các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực công nghệ, họ dự kiến sẽ tiếp tục tuyển dụng ổn định, chủ yếu tập trung vào việc tuyển dụng dưới 30 nhân sự. Ngược lại, do tính chất công việc, doanh nghiệp CNTT Outsource/Consulting có xu hướng tuyển dụng nhân sự liên tục theo từng dự án, với số lượng nhiều hơn trong khoảng từ 50 đến 100 người.
Tuy suy thoái kinh tế đang buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô và giảm ngân sách dành cho hoạt động tuyển dụng, nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành công nghệ vẫn còn. Tuy nhiên, thực trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao vẫn là một thách thức lớn.
Các vị trí như Product Owner/Product Manager, Full-stack Developer và DevOps Engineer là những vị trí hàng đầu mà các doanh nghiệp đánh giá là khó để tìm ra ứng viên phù hợp. Theo khảo sát, 89.9% doanh nghiệp cho biết là khó tìm ứng viên ở những vị trí cấp cao (senior) trở lên.
Các ứng viên CNTT đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc. 25.7% nhân sự CNTT cảm thấy khó khăn khi tìm việc vì "Không có nhiều vị trí để ứng tuyển", theo sau là "Tỉ lệ chọi ứng viên cao", cũng như do sự chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và kinh nghiệm của ứng viên.
Mục tiêu trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào chất lượng tuyển dụng hơn, đặt yêu cầu cao hơn, ưu tiên các ứng viên đa nhiệm, có khả năng đảm nhận nhiều công việc và có kinh nghiệm cao. 23.5% các doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung vào việc duy trì đội ngũ nhân tài hiện có, tiếp đến là xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong cộng đồng công nghệ. Mặt khác, có 15.2% nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên việc mở rộng khối Nhân sự CNTT.
4. Người lao động đang cân nhắc hơn khi đưa ra quyết định nhảy việc
Trước đây, trong giai đoạn kinh tế ổn định, doanh nghiệp Công Nghệ Thông Tin (CNTT) đã có nhu cầu tuyển dụng tăng cao để đáp ứng sự phát triển, và nguồn nhân lực CNTT đã trở thành mục tiêu "săn đón" của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, khi Việt Nam đang phải đối mặt với các tác động của tình hình kinh tế, các doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô và ngân sách cho việc tuyển dụng. Đồng thời, họ cũng đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhân sự phải có nhiều kỹ năng và có khả năng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn.
Theo ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc bộ phận phát triển Sản phẩm & Kỹ thuật, Navigos Group, "Người lao động ngành CNTT cũng có những thay đổi rõ rệt trong hành vi tìm việc. Đó là những người có ý định chuyển việc sẽ cân nhắc hơn trong quyết định, và mong muốn tìm được một công ty ổn định. Bên cạnh đó, các lao động đang tìm việc mới cũng có xu hướng lựa chọn công ty ít biến động bằng cách hạ thấp sự kỳ vọng về mức lương, phúc lợi, và môi trường làm việc. Ngoài ra, các lao động CNTT cũng chủ động tìm kiếm trau dồi kỹ năng để đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp".
Kết quả khảo sát cho thấy có đến 42.4% ứng viên đang tìm kiếm công việc mới và 23.7% có ý định chuyển việc trong vòng 12 tháng tới, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ. Người lao động cũng thể hiện ý muốn tiếp tục phát triển kỹ năng chuyên môn và quan tâm đến công nghệ và ngôn ngữ lập trình mới. Ngoài ra, ngoại ngữ cũng được 37.6% ứng viên CNTT đánh giá cao.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng, hiện nay, các ứng viên ngành CNTT thường tìm kiếm việc làm thông qua các mạng xã hội (chiếm 20.6%), tiếp đó là các trang web tuyển dụng trực tuyến như VietnamWorks với 19.1%.
1. VietnamWorks inTECH - IT Report 2023_VietnamWorks inTECH - 24/10/2023
Truy cập từ: https://drive.google.com/drive/folders/1KqlxzGsv3XuDxA7S7wPhjEqvUI5GA1W5
2. Thế giới số - Thực trạng và nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT 2023 – những con số biết nói - 25/10/2023
Truy cập từ: https://tgs.vn/dong-chay/thuc-trang-va-nhu-cau-tuyen-dung-nganh-cntt-2023-nhung-con-so-biet-noi/